Tìm cách thu đúng, đủ
Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh (Tổng cục Thuế) cho biết, ngành thuế sẽ thay đổi tư duy quản lý với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Thay vì làm trực tiếp với từng người, họ sẽ nắm đầu mối từ tổ chức có liên quan và dòng tiền chi trả.
Trong dự thảo Thông tư, các đơn vị trung gian được yêu cầu khai thông tin và thậm chí nộp thuế thay (nếu nắm dòng tiền) cho cá nhân và hộ kinh doanh. Như vậy, các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada, Sendo hoặc các đơn vị giao vận sẽ có trách nhiệm cung cấp thông tin của chủ shop (nếu cư trú tại Việt Nam) cho cơ quan thuế. Dự thảo Thông tư này không điều chỉnh với nhà cung cấp nước ngoài.
Còn với các cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội như Facebook, cơ quan thuế địa phương khai thác dữ liệu công bố trên trang bán hàng, fanpage để xác định danh tính cá nhân kinh doanh online, từ đó tìm cách thu thuế.
Trao đổi với Báo Lao Động, chuyên gia về tài chính Đinh Trọng Thịnh cho rằng, những người kinh doanh truyền thống vẫn phải thuê trụ sở, cửa hàng và gánh thêm nhiều chi phí nhưng họ vẫn kê khai, nộp thuế đầy đủ. Còn người kinh doanh thương mại điện tử hiện đại hơn, chi phí thấp, lợi nhuận cao hơn thì lại tránh thuế. Vì thế, ông Thịnh cho rằng việc tiếp cận với các đầu mối khác để có thông tin thu thuế thương mại điện tử là hoàn toàn phù hợp nhằm đảm bảo bình đẳng giữa những người kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh truyền thống.
Chiêu trò khó qua mắt cơ quan thuế
Tìm hiểu của Báo Lao Động, được biết hiện nay một số ngân hàng đã bắt đầu cung cấp các tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế cho các đơn vị quản lý thuế. Tuy nhiên, ngay sau khi Nghị định 126/2020 được ban hành, thì cách thức “gian lận” thuế của các thương nhân online có phần tinh vi hơn. Chia sẻ với Báo Lao Động, chị Lê N.H.N (một người chuyên bán hàng online) cho biết, chưa rõ là ngân hàng liên thông với cơ quan thuế thì có bị thu thuế kinh doanh online hay không, nhưng để tránh bị “soi” mình thuê giao hàng trực tiếp và có các shipper thu hộ tiền. “Khách hàng yên tâm nhận hàng, xem kỹ hàng rồi mới thanh toán. Còn về phía mình cũng đỡ lo bị thu thuế hay lo cơ quan thuế kiểm tra", chị Lê N.H.N bán hàng mỹ phẩm online tâm sự.
Chưa dừng lại, nhiều bà chủ bán hàng online đối phó bằng cách đăng thông báo về việc thay đổi nội dung chuyển khoản khi mua hàng. Cụ thể, người bán yêu cầu người mua khi chuyển khoản tiền hàng không cần ghi thanh toán tiền hàng gì, không nhắc đến hàng hóa gì, chỉ cần ghi “tên facebook” hoặc “tên facebook tặng/cho/biếu”… Nhưng với hình thức này, một số thương nhân online đã phải chịu mất khách vì tính rủi ro cao.
Trả lời về các chiêu thức "né thuế" ở trên của không ít chủ shop bán hàng online, một lãnh đạo Vụ quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) cho rằng, ngành thuế đã phối hợp với ngân hàng để ngân hàng cung cấp các giao dịch đáng ngờ. Theo đó, khi giao dịch một vài lần mỗi ngày thì đó là giao dịch bình thường. Tuy nhiên, giao dịch đến hàng trăm, thậm chí nhiều hơn mỗi ngày và kéo dài một thời gian dài thì có thể coi là đáng ngờ. Khi xác định rủi ro đối với hộ cá nhân kinh doanh thì cơ quan thuế sẽ tiến hành xây dựng kế hoạch rà soát, yêu cầu người nộp thuế kê khai, nộp thuế theo quy định.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Đức Huy - Phó Chánh văn phòng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, một người kinh doanh qua thương mại điện tử sẽ không thể ẩn danh quá lâu, cơ quan thuế sẽ tìm ra các "dấu vết" dựa vào số lần thanh toán, mức tiền thanh toán, cứ lặp đi lặp lại nhiều lần. Thay vì đợi đến lúc bị cơ quan thuế yêu cầu truy thu, thì ngành thuế khuyến cáo cho các cá nhân kinh doanh qua thương mại điện tử nên kê khai và nộp thuế đầy đủ, bởi đây vừa là quyền và cũng là nghĩa vụ của mỗi công dân.
Theo tinnhanh247.net