Chỉ sau một năm dự án Pi ra mắt, số người tham gia mạng lưới này đã lên tới 15 triệu người dù đồng tiền này vẫn chưa chính thức được tung ra thị trường. Vậy tại sao Pi lại hấp dẫn đến vậy. Nó có thực sự đem lại lợi ích cho người dùng?
Vào khoảng thời điểm tháng 3-4/2020, Bitcoin có giá trị khoảng 9.000 đến 10.000 USD, sau đó đồng tiền mã hóa này dần tăng giá. Và hiện nay, Bitcoin đã lên đến khoảng 59.000 USD.
Dưới sự bùng nổ giá Bitcoin, lượng người dùng Pi cũng tăng vọt. Chỉ sau 1 năm dự án Pi ra đời, nó đã có số người tham gia là 11 triệu vào thời điểm tháng 1/2021 và chỉ hai tháng sau con số này đã lên tới mức 15 triệu.
Vậy tiềm năng của Pi là gì? Tại sao Pi lại hấp dẫn đến như vậy? Và liệu người dùng Pi có đang bị lừa?
Giao diện của chương trình đào tiền ảo Pi trên điện thoại di động. Ảnh: PV chụp màn hình.
Hiện tại, dư luận về Pi hiện đang chia làm 3 phe. Phe thứ 1 thổi phồng dự án Pi, coi nó có giá trị như đồng Bitcoin và tìm cách để thuyết phục càng nhiều người tham gia mạng lưới Pi càng tốt. Phe thứ 2 là những người dùng chương trình "đào" Pi với suy nghĩ chỉ cài đặt và bấm vào nút của chương trình 1 lần/ngày để kiếm được vài đồng Pi thì cũng chẳng mất gì. Và cuối cùng là phe coi dự án Pi là một dự án scam (từ dùng để chỉ đây là một dự án không có thực, mang tính chất lừa đảo người dùng).
Để làm rõ liệu Pi có giá trị thực hay lừa đảo và liệu nó có thực sự có tiềm năng về mặt giá trị như Bitcoin,chúng ta sẽ phân tích nó dựa trên 3 khía cạnh: Kỹ thuật, tâm lý người dùng và khả năng sinh lời từ thương mại.
Trước hết về mặt kỹ thuật, Pi khác gì so với Bitcoin, tại sao người dùng không tốn công sức và tài nguyên gì khi đào Pi và những đồng tiền họ đào được hiện tại có giá trị gì không?
Pi không giống Bitcoin và vẫn chưa phải là một blockchain
Rất nhiều người môi giới và buôn bán coin khi nói về Pi thì luôn so sánh nó với Bitcoin nhưng ở hai loại tiền mã hóa này có những điểm khác biệt cơ bản là: Thuật toán để "đào tiền", mục đích sử dụng và tổng cung trên thị trường. Trong đó, cách thức đào Pi khá đơn giản, người dùng chỉ cần cài ứng dụng, đăng nhập vào ứng dụng mỗi ngày, bấm vào nút để nhận tiền. Càng mời được nhiều người tham gia với mã định danh của mình (referral name) thì người dùng càng nhận được nhiều tiền hơn mỗi ngày.
Nhưng liệu bạn có thật sự đang "đào" Pi?
Satoshi Nakamoto, cha đẻ của Bitcoin là người đã thiết kế thuật toán Pow (Proof of Work - bằng chứng công việc). Đây chính là thuật toán đồng thuận của Bitcoin. Và Bitcoin là tiền mã hóa đầu tiên sử dụng PoW. Thuật toán này được sử dụng để xác nhận giao dịch và sản xuất các block mới trong chuỗi khối blockchain.
PoW yêu cầu những người sở hữu các máy tính trong mạng (node - các nút mạng) phải giải một bài toán phức tạp để có thể thêm một block (khối) vào chuỗi. Trong tiền mã hóa, một sổ cái phi tập trung sẽ tập hợp tất cả các giao dịch thành các block trong một mạng. Giải quyết vấn đề này được gọi là đào (minning) và thợ đào (miner) các node tham gia cạnh tranh với nhau để xác thực các giao dịch và nhận phần thưởng trong tiền điện tử.
Hệ thống PoW trên mạng bitcoin có tên gọi là hashcash. Nó cho phép thay đổi độ phức tạp của một bài toán, tăng cường bảo mật. Khi một người khai thác cuối cùng tìm thấy giải pháp phù hợp. Node sẽ phát nó ra toàn bộ mạng cùng một lúc. Sau đó họ nhận phần thưởng là tiền mã hóa được cung cấp bởi PoW.
PoW giúp bảo vệ mạng lưới chống khỏi tấn công độc hại. Đảm bảo rằng “miner” không thể thêm các block giả vào blockchain. Nếu một người khai thác cố gắng tấn công mạng. Họ sẽ cần sử dụng nhiều tài nguyên cũng như sức mạnh máy tính. Nhưng họ sẽ không nhận được phần thưởng (bitcoin mới) mà những miner chân chính đã làm.
Mô hình "đào" Bitcoin. Ảnh: Blogtienao.
Nhưng PoW có những nhược điểm lớn như tốn thời gian để giải quyết bài toán, tốn nhiều tài nguyên như năng lượng, không gian, phần cứng, giao dịch có độ trễ cao... Chính điều này đã dẫn đến khi Bitcoin bị tụt giá thì nhiều trang trại đào tiền đã bị lỗ vì tiền điện phải trả còn lớn hơn số tiền mã hóa mà những trang trại này đào được.
Ngoài PoW còn có những thuật toán, cơ chế đồng thuận khác. Mỗi loại có những ưu và nhược điểm riêng nhưng có cùng mục đích: Cung cấp cách xử lý và xác minh các giao dịch, trong khi vẫn giữ an toàn cho mạng. Mạng lưới Pi sử dụng thuật toán đồng thuận có tên Giao thức Đồng thuận Sao (SCP - Stellar Consensus Protocol).
SCP là cơ chế đồng thuận an toàn có bốn thuộc tính chính: Kiểm soát phi tập trung, độ trễ thấp, tin cậy linh hoạt và bảo mật tiến bộ. SCP là kết quả của Thỏa thuận Byzantine Liên bang (Federated ByzantineAgreement) và là một phương pháp đồng thuận mới sử dụng Giao thức Dung sai Lỗi Byzantine (BFT).
Nói một cách đơn giản hơn giao thức này giống như biểu quyết. Khi một người dùng (một node) đề nghị tất cả các node khác bỏ phiếu cho khối A là khối tiếp theo: “Tôi bỏ phiếu cho khối A là khối tiếp theo”, “Tôi xác nhận rằng hầu hết các nút mà tôi tin tưởng cũng bỏ phiếu cho khối A”, các node còn lại phần lớn cũng xác nhận A là khối tiếp theo thì có thể đi đến kết luận: “A là khối tiếp theo; và có thể không có bất kỳ khối nào khác ngoài A là khối tiếp theo”.
Dù các bước biểu quyết rất nhiều, nhưng Internet đủ nhanh và các thông báo này nhẹ, vì vậy SCP nhẹ hơn nhiều so với PoW của Bitcoin.
Giao thức Đồng thuận Sao - Stellar Consensus Protocol. Ảnh: Stellar.
Pi áp dụng SCP để "đào". Người dùng Pi có thể đóng bốn vai trò. Pioneer - Người tiên phong: Là người dùng ứng dụng Pi dành cho thiết bị di động chỉ xác nhận rằng họ không phải là “robot” hàng ngày. Họ xác minh sự tồn tại của mỗi khi đăng nhập vào ứng dụng. Contributor - Người đóng góp: Họ đóng góbằng cách cung cấp danh sách những người tiên phong mà họ biết và tin tưởng.
Nói chung, những người đóng góp Pi sẽ xây dựng một biểu đồ tin cậy toàn cầu. Ambassador - Đại sứ: giới thiệu những người dùng khác với mạng Pi. Node: là người dùng sử dụng ứng dụng Pi dành cho thiết bị di động và cũng chạy phần mềm node Pi trên máy tính để chạy thuật toán SCP cốt lõi, có tính đến thông tin đồ thị tin cậy do những người đóng góp cung cấp. Tất cả các người dùng tham gia và đóng góp hàng ngày và nhận được phần thưởng Pi mới tạo mỗi ngày.
Về mặt lý thuyết cơ chế kiếm Pi là vậy nhưng Pi hiện chưa có giá trị gì cả vì tất cả hiện còn ở trong giai đoạn thử nghiệm. Người dùng chỉ có thể tin tưởng vào Pi khi mainnet của đồng tiền mã hóa này chính thức được tung ra vào cuối năm nay. Hệ thống ví để lưu trữ và giao dịch đồng Pi cũng chỉ mới được đưa ra trên máy tính và chưa có trên thiết bị di động. Ví Pi hiện chỉ dùng để thử chạy các giao dịch trên mạng lưới thử nghiệm Pi Testnet. Với hiện trạng hiện tại có thể nói rằng Pi chưa phải là blockchain hoặc là một đồng tiền mã hóa chưa có cơ sở hạ tầng blockchain thật sự. Vì vậy, có rất nhiều luồng thông tin cho rằng những đồng Pi hiển thị trên chương trình của người dùng chỉ đơn thuần là một con số trên màn hình và chẳng có giá trị gì cả. Tất cả người dùng vẫn sẽ phải đợi cho tới cuối năm.
Mục đích của mạng lưới Pi là gì?
Những trader, những người bảo vệ đồng Pi luôn so sánh nó với Bitcoin nhưng Bitcoin và Pi có những điểm khác biệt cơ bản. Trong sách trắng (whitepaper) của mình, mạng lưới Pi tham vọng biến đồng tiền mã hóa này trở thành một phương tiện có thể giao dịch như tiền pháp định (Fiat) - Qua đó, Pi có thể được dùng như một loại tiền để mua bán các sản phẩm, dịch vụ thật như mua một cốc cafe, một chiếc bút, một món ăn... Từ đó, có thể thấy mục đích sử dụng Pi và Bitcoin có những khác biệt căn bản.
Bitcoin là đồng tiền mã hóa áp dụng công nghệ blockchain đầu tiên với số lượng được tung ra là 21 triệu. Vì mang tính tiên phong nên nó có nhiều lợi thế hơn về mặt giá trị. Hiện tại, Bitcoin giống như một mỏ vàng hơn là một đồng tiền. Rất nhiều dự án tiền mã hóa đều neo vào Bitcoin gần như chế độ kim bản vị trong thế giới tiền pháp định. Khi so sánh Pi với Bitcoin nhiều người đã bỏ qua nhiều chi tiết như việc niêm yết các đồng tiền mã hóa trên rất nhiều sàn giao dịch tiền mã hóa uy tín đều được tính bằng Bitcoin, bao gồm cả phí niêm yết, phí giao dịch nạp - rút. Bitcoin cũng có một lợi thế khác khi được Paypal và một số ngân hàng chấp nhận được sử dụng để thanh toán tương đương với tiền pháp định. Chưa kể cha đẻ của Tesla, Elon Musk đã đầu tư tới 1,5 tỷ USD để mua Bitcoin...
Một số sàn giao dịch có mức phí thấp tính theo Bitcoin. Ảnh: Cryptowisser
Trong sách trắng của mình, mạng lưới Pi có đề cập tới việc đưa đồng tiền này thử nghiệm để mua các sản phẩm dịch vụ thật vào năm 2020 nhưng việc này đã bị trì hoãn. Chưa kể, khác với rất nhiều các dự án tiền mã hóa khác có thời gian để triển khai các bước, các lộ trình từ khi bắt đầu dự án tới khi đồng tiền được tung ra thị trường và những bước tiếp theo để phát triển dự án, đảm bảo cho giá trị của đồng tiền bền vững trong tương lai thì sách trắng của mạng lưới Pi không có một thời gian xác định rõ ràng mà chỉ có các pha sẽ thực hiện.
Ở thời điểm hiện tại, mạng lưới Pi hy vọng sẽ ra mắt chính thức Mainet vào cuối năm nay. Khi đó thì Pi mới là một blockchain công cộng và phi tập trung một cách thực sự. Nhưng không có gì đảm bảo rằng giai đoạn này sẽ không bị trì hoãn thêm.
Còn một chi tiết hầu không được đề cập đến là việc dùng tiền mã hóa để thay thế tiền pháp định khi mua các sản phẩm, dịch vụ thật là một điều rất khó. Và lĩnh vực tiền mã hóa hiện nay vẫn là một thế giới riêng của các trader. Có thể với số lượng người dùng càng ngày càng lũy tiến mục đích này của mạng lưới Pi sẽ trở thành sự thật!
Tổng cung Pi là bao nhiêu?
Như đã nói trên, tổng cung của Bitcoin là 21 triệu. Hiện đã có hơn 18,5 triệu Bitcoin được đào. Vậy là chỉ còn 3 triệu Bitcoin (BTC) sẽ được khai thác trong 120 năm. Chưa kể đến việc có rất nhiều Bitcoin bị thất lạc, do người sở hữu mất địa chỉ ví và secret key (khoá bí mật). Theo thống kê cuối năm 2016, có khoảng 25% số BTC lưu hành (tương đương 4 triệu coin) đã bị thất lạc và không thể thu hồi được. Do đó, số lượng Bitcoin thực tế sẽ nhỏ hơn 21 triệu coin.Tốc độ đào Bitcoin tăng rất nhanh, nhưng trong mã nguồn Bitcoin Core có một quy định được đặt ra. Đó là cứ 4 năm một lần, số lượng Bitcoin mà thợ đào (miner) kiếm được từ mỗi giao dịch sẽ giảm một nửa. Hiện tượng này gọi là Bitcoin Halving.
Ban đầu, phần thưởng khi đào được 1 block là 50 BTC. Sau 4 năm, nó giảm xuống còn 25 BTC, sau đó tiếp tục giảm xuống còn 12,5 BTC. Đến Bitcoin Halving 2020, phần thưởng sẽ giảm xuống chỉ còn 6,25 BTC. Do đó, theo tính toán thì 3 triệu Bitcoin sẽ được đào hết vào năm 2140. Khi đó, sẽ không còn một Bitcoin mới nào được tạo ra nữa. Khi không còn Bitcoin để đào, đồng tiền mã hóa này sẽ rơi vào tình trạng giảm phát khiến giá trị của nó tăng về mặt dài hạn. Và hiện tại, Bitcoin đã được coi như một loại "vàng số".
Tổng cung Pi tính đến cuối tháng 6/2020. M = tổng phần thưởng khai thác. R = Tổng phầnthưởng giới thiệu; D = Tổng phần thưởng dành cho nhà phát triển; M = f (P) dx trong đó f là hàm suygiảm Logarit; P = Số người tham gia (ví dụ: Người thứ nhất tham gia, Người thứ 2 tham gia...); R = r *M. r = Tỷ lệ giới thiệu (tổng 50% hoặc 25% cho cả người giới thiệu và người được giới thiệu); D = t *(M + R); t = Tỷ lệ phần thưởng dành cho nhà phát triển (25%). Ảnh: TraderVN).
Theo tính toán của Pi Network xuất hiện trên MXH Reddit, từ thời điểm 14/3/2019 cho tới cuối năm 2021(khi mainnet được ra mắt), số lượng Pi sẽ đạt hơn 40 tỷ trong đó có 25% phần thưởng cho đội ngũ phát triển sẽ khiến tổng cung Pi lên tới con số trên 50 tỷ. Tới đây, chúng ta đã có thể kết luận sự khác biệt giữa Pi và Bitcoin về phương pháp đào, mục đích sử dụng và tổng cung trên thị trường, mức độ khan hiếm giữa 2 đồng tiền mã hóa. Và Pi sẽ không phải là một hiện tượng giống Bitcoin như nhiều trader kỳ vọng.
Mạng lưới Pi đã khai thác người dùng thế nào?
Pi rất hấp dẫn người dùng và cả giới đầu cơ tiền mã hóa. Pi sách trắng có nội dung và hồ sơ của những nhà sáng lập có chất lượng cao, mô hình tăng trưởng nhanh theo phương thức MLM (tiếp thị đa cấp) và tham vọng lớn khi mong muốn Pi có thể sử dụng để mua, bán các sản phẩm và dịch vụ thật. Hơn nữa, những người phát triển mạng lưới Pi cũng rất khéo léo khi khai thác hiệu ứng tâm lý FOMO và suy nghĩ của người dùng rằng có cài chương trình thì cũng chẳng mất gì! Điểm gây chú ý nhất và cũng được nhiều người sử dụng để nói rằng Pi sẽ thành công là hồ sơ của những người nhà sáng lập dự án. Họ đều là tiến sĩ của đại học Stanford. Trong đó, ông Nicolas Kokkalis đứng đầu về mặt kỹ thuật, là giáo viên trong lớp học đầu tiên của Stanford về các ứng dụng phi tập trung. Còn bà Phạm Thành Điêu là tiến sĩ về ngành nhân học điện toán đứng đầu lĩnh vực phát triển sản phẩm.
Nhưng chẳng có gì để đảm bảo rằng người đứng đầu có học vấn cao thì dự án sẽ thành công. Và những dự án tốt có xu hướng khai thác thành công về mặt kinh doanh hơn là học vấn của nhà sáng lập.
Trên mạng xã hội việc làm LinkedIn, Pi để quy mô công ty của mình ở con số 2 đến 10 nhân viên. Nhưng đã có thêm rất nhiều tình nguyện viên tham gia vào Pi với con số là 103 người chỉ trong vài tháng. Trong đó, chủ yếu là các trader về tiền mã hóa ở khắp nơi trên thế giới. Điều này, giải thích tại sao lượng ngườidùng Pi lại tăng trưởng "kinh khủng" đến vậy. Vì các trader là những người nắm bắt rất rõ cách làm FOMO.
Ảnh cắt từ video trên Youtube nói về thông tin giao dịch 500 Pi với giá 100 triệu đồng.
FOMO (Sợ bị bỏ lỡ - Fear Of Missing Out) được nhà đầu tư mạo hiểm Patrick James McGinnis định nghĩa lần đầu tiên vào năm 2004. Nó là một chứng lo âu xã hội. Trong đó, một người tin rằng những người khác đang làm cho cuộc sống của họ trở nên tốt hơn, còn bản thân mình thì không, nên bị thôi thúc phải làm theo họ. Người tham gia Pi Network rõ ràng đang bị hiệu ứng FOMO.
Với những thông tin được truyền bá như Pi sẽ trở thành một hiện tượng Bitcoin tiếp theo, xuất hiện một nỗi sợ bị bỏ lại. Nếu bạn không tham gia, tất cả sẽ trở thành triệu phú trừ bạn. Pi hiện tại đang trong giai đoạn testnet, nó có giá trị bằng 0. Người dùng không có một lợi ích hữu hình nào trong ứng dụng. Bên trong ứng dụng chỉ có chức năng tin nhắn. Và nó hoạt động giống như một hệ thống chào mời người them gia theo kiểu tiếp thị đa cấp hay chí ít thì là tiếp thị liên kết. Nó sẽ đem lại phần thưởng lớn hơn với những người dùng mời được nhiều người dùng mới hơn trong vòng tròn của họ, cung cấp lợi ích tiềm năng gia tăng cho người dùng ban đầu - Tỷ lệ khai thác Pi lớn hơn với người dùng trước đó. Điều này đã khiến cho nhiều người bỏ thời gian và công sức ra để thu hút người dùng mới.
Hiện những nhà đầu cơ, trader trong cộng đồng Pi đang ra sức bênh vực mạng lưới Pi. Họ nói rằng đó không thể là một dự án "ma". Vì người dùng không phải bỏ bất cứ khoản tiền nào. Họ quên đề cập đến việc người dùng phải bỏ thời gian công sức để cài đặt và mở chương trình mỗi ngày, phải cung cấp thông tin về hộ chiếu hoặc giấy tờ cá nhân để xác thực danh tính (KYC - Know Your Customer) của mình nhằm nhận được lượng Pi đã khai thác khi giai đoạn mainnet của dự án khởi động.
Hầu hết người dùng Pi đang giữ nó với hy vọng rằng lúc nào đó họ sẽ chuyển đổi số tiền ảo của họ thành đồng tiền có giá trị thực.
Pi có tiềm năng thương mại không?
Hiện những người sáng lập đang hưởng lợi từ ứng dụng. Khi bật ứng dụng quảng cáo video sẽ xuất hiện ngẫu nhiên để kiếm tiền từ lượt xem của người dùng đang mở chương trình. Ứng dụng Pi cũng có quy trình KYC thu thập thông tin cá nhân. Với những thông tin được thu thập này, chắc chắn doanh thu quảng cáo sẽ tăng. Nhiều người cho rằng đây chỉ là một lỗi trong ứng dụng và đã được sửa lại. Tuy nhiên, trong chính sách trắng của mình, mạng lưới Pi cũng đề cập tới tiềm năng khai thác quảng cáo.
Vậy Pi sẽ đạt được giá trị nội tại bằng cách nào?
Có quan điểm cho rằng khi quy mô của bạn đủ lớn bạn sẽ không thể chết. Điều này có thể đúng với lượng người dùng tham gia mạng lưới Pi đang tăng lên tới con số hơn 15 triệu. Khi giai đoạn mainnet của Pi đi vào hoạt động, đồng tiền mã hóa Pi chính thức trở thành đồng tiền blockchain phi tập trung và được niêm yết trên các sàn, Pi có thể sẽ đạt được giá trị rất lớn nhờ các nhà đầu cơ. Chúng ta hãy tưởng tượng ngay từ đợt niêm yết đầu tiên các trader, broker và cả các nhà sáng lập của Pi đẩy vào thị trường một lượng tiền nhất định, những thao tác kỹ thuật như mua đi bán lại, tăng giá, thổi giá, khống chế số lượng... được sử dụng.
Với con số trên 15 triệu người dùng thì tiềm năng về thương mại của Pi sẽ rất lớn. Nhưng cũng có rủi ro cao là khi Pi được niêm yết trên sàn giao dịch, sẽ có một đợt bán tháo điên cuồng khiến Pi lại quay về giá trị 0. Cũng có một phương thức khác để giúp Pi đạt được những giá trị về thương mại khi chính thức niêm yết. Đó là xây dựng các ứng dụng phi tập trung dựa trên nền tảng mạng lưới Pi. Hiện tại, ứng dụng của Pi chưa tạo ra giá trị gì. Và vấn đề khai thác giá trị nội tại của mạng lưới Pi cần phải trông đợi vào những nhà phát triển.
Như đã nói trên, mạng lưới Pi có tham vọng rất lớn khi muốn đồng Pi có thể sử dụng để mua được các sản phẩm và dịch vụ thật. Nhưng cuộc chơi tiền mã hóa vẫn là cuộc chơi riêng của giới đầu cơ, trader. Còn một khoảng cách rất lớn để nó trở thành một phương tiện giao dịch cho những người dùng phổ thông. Và tất cả vẫn còn phải đợi cho tới khi mạng lưới Pi khởi động hệ thống mainnet của mình.
Theo tinnhanh247.net