Trong những năm qua, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và lĩnh vực tài chính kế toán của đất nước đã giúp cho hoạt động hành nghề dịch vụ kế toán có điều kiện để phát triển. Tuy nhiên, do hoạt động này có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp, nên các quy định liên quan đến hoạt động này khá phức tạp.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Thông qua việc khảo sát các cơ sở pháp lý hiện hành như: Luật Kế toán năm 2015 của Quốc hội, các nghị định của Chính phủ và các thông tư của Bộ Tài chính, tác giả đã hệ thống hóa các quy định liên quan đến hoạt động này, qua đó giúp các tổ chức, cá nhân hình dung và nắm rõ để triển khai thực hiện đúng quy định hiện hành.
Hiện nay, các quy định liên quan đến hành nghề dịch vụ kế toán (DVKT) được quy định tại Luật Kế toán năm 2015 của Quốc hội; các nghị định của Chính phủ như: Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán, Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập; các Thông tư của Bộ Tài chính như: Thông tư số 292/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 hướng dẫn cập nhật kiến thức hàng năm cho kế toán viên (KTV) hành nghề và người đăng ký hành nghề DVKT; Thông tư số 296/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 hướng dẫn về cấp, thu hồi và quản lý giấy chứng nhận đăng ký hành nghề DVKT; Thông tư số 91/2017/TT-BTC ngày 31/8/2017 quy định về việc thi, cấp, quản lý chứng chỉ kiểm toán viên và chứng chỉ KTV; Thông tư số 44/2019/TT-BTC ngày 19/07/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 292/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 và Thông tư số 296/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016...
Như vậy, do tính chất khá phức tạp của hoạt động hành nghề DVKT nên các quy định liên quan đến hoạt động này và KTV hành nghề được quy định tương đối chặt chẽ. Thông qua việc khảo sát các cơ sở pháp lý hiện hành, nhằm giúp các tổ chức, cá nhân nắm rõ các quy định pháp luật cũng như triển khai hiệu quả, thuận lợi trong hoạt động hành nghề DVKT, tác giả hệ thống hóa các quy định liên quan đến hoạt động này với một số nội dung trọng tâm như sau:
Về nguyên tắc đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán
Theo Điều 5, Thông tư số 296/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, việc đăng ký hành nghề DVKT được thực hiện thông qua doanh nghiệp (DN) kinh doanh DVKT, hộ kinh doanh DVKT nơi người đăng ký hành nghề DVKT có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian. Người đăng ký hành nghề DVKT phải chịu trách nhiệm về các thông tin đã kê khai trong hồ sơ đăng ký hành nghề DVKT. Người đại diện theo pháp luật của DN kinh doanh DVKT, đại diện hộ kinh doanh DVKT và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xác nhận thông tin trong hồ sơ đăng ký hành nghề DVKT phải chịu trách nhiệm liên đới về tính trung thực của thông tin đã xác nhận...
Đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán
Theo Điều 58, Luật Kế toán năm 2015, người có chứng chỉ KTV hoặc chứng chỉ KTV theo quy định của Luật Kiểm toán độc lập được đăng ký hành nghề DVKT qua DN kinh doanh DVKT hoặc hộ kinh doanh DVKT khi có đủ các điều kiện: Có năng lực hành vi dân sự; Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán từ 36 tháng trở lên kể từ thời điểm tốt nghiệp đại học; Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức theo quy định.
Đồng thời, lưu ý rằng, phải đáp ứng được các điều kiện trên thì các đối tượng mới được đăng ký hành nghề và được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề DVKT. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận này chỉ có giá trị khi người được cấp có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian cho một DN kinh doanh DVKT hoặc làm việc tại hộ kinh doanh DVKT.
Các trường hợp không được đăng ký hành nghề, đình chỉ hành nghề và thu hồi giấy phép hành nghề
Trường hợp không được đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán
Theo Điều 58, Luật Kế toán năm 2015, những người không được đăng ký hành nghề DVKT gồm: Cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, Công an nhân dân; Người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án, quyết định của cơ quan tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Người đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích; Người bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán, kiểm toán mà chưa hết thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt trong trường hợp bị phạt cảnh cáo hoặc chưa hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác; Người bị đình chỉ hành nghề DVKT.
Trường hợp bị đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán
Theo Điều 12, Thông tư số 296/2016/TT-BTC, KTV hành nghề bị đình chỉ hành nghề DVKT theo quy định của pháp luật trong các trường hợp sau:
- Có sai phạm về chuyên môn hoặc vi phạm chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng; Không chấp hành quy định của cơ quan có thẩm quyền về việc kiểm tra, thanh tra liên quan đến hoạt động hành nghề kế toán và không tuân thủ trách nhiệm của KTV hành nghề theo quy định của Luật Kế toán (Không tuân thủ pháp luật về kế toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán; Không tuân thủ sự quản lý nghề nghiệp và kiểm soát chất lượng DVKT của Bộ Tài chính hoặc của tổ chức nghề nghiệp về kế toán được Bộ Tài chính ủy quyền...).
- KTV hành nghề không có đủ số giờ cập nhật kiến thức hàng năm theo quy định của Bộ Tài chính; Vi phạm các trách nhiệm quy định về hành nghề kế toán (Sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề DVKT đã bị hết hiệu lực hoặc không còn giá trị trong các hoạt động nghề nghiệp kế toán; Đang đăng ký hành nghề tại DN kinh doanh DVKT, hộ kinh doanh DVKT mà còn đồng thời làm người đại diện theo pháp luật tại đơn vị, tổ chức khác...) và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian bị đình chỉ, KTV hành nghề không được tiếp tục hành nghề dịch vụ làm kế toán, dịch vụ làm kế toán trưởng, dịch vụ lập báo cáo tài chính, dịch vụ tư vấn kế toán và các công việc khác thuộc nội dung công tác kế toán. Sau khi hết thời gian đình chỉ, nếu KTV hành nghề bảo đảm các điều kiện theo quy định và Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề DVKT đã được cấp còn thời hạn thì được tiếp tục hành nghề DVKT.
Trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán
Theo Điều 13, Thông tư số 296/2016/TT-BTC, KTV hành nghề bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề DVKT trong các trường hợp: Gian lận, giả mạo hồ sơ để đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề DVKT; Bị thu hồi chứng chỉ kế toán viên; Bị kết tội bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật... Cần lưu ý rằng, người bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề DVKT không được tiếp tục hành nghề dịch vụ làm kế toán, dịch vụ làm kế toán trưởng, dịch vụ lập báo cáo tài chính, dịch vụ tư vấn kế toán và các công việc khác thuộc nội dung công tác kế toán và phải nộp lại Giấy chứng nhận cho Bộ Tài chính. Người bị thu hồi Giấy chứng nhận không được đề nghị cấp Giấy chứng nhận trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định thu hồi có hiệu lực.
Trình tự đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán
Người đăng ký hành nghề DVKT phải lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 3, Thông tư số 296/2016/TT-BTC gửi đến Bộ Tài chính thông qua DN kinh doanh DVKT, hộ kinh doanh DVKT. Người đại diện theo pháp luật của DN kinh doanh DVKT, đại diện hộ kinh doanh DVKT có trách nhiệm xem xét, rà soát hồ sơ và ký xác nhận trên Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề DVKT của từng người đăng ký hành nghề tại đơn vị, đồng thời lập danh sách đề nghị Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận cho những người đăng ký hành nghề tại đơn vị mình cùng với hồ sơ đăng ký hành nghề của từng cá nhân. Người đăng ký hành nghề DVKT khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận phải nộp đủ phí theo quy định. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề DVKT cho người đăng ký hành nghề DVKT thông qua DN kinh doanh DVKT, hộ kinh doanh DVKT. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận, Bộ Tài chính trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trách nhiệm của kế toán viên hành nghề
Điều 15, Thông tư số 296/2016/TT-BTC, quy định KTV hành nghề có trách nhiệm gửi văn bản cho DN kinh doanh DVKT, hộ kinh doanh về việc không tiếp tục hành nghề DVKT theo quy định chậm nhất là 10 ngày trước ngày không tiếp tục hành nghề DVKT. Đồng thời, phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính chậm nhất là 10 ngày trước khi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề DVKT hết hiệu lực hoặc không còn giá trị đối với các trường hợp như: KTV hành nghề không còn làm việc và chấm dứt hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại DN kinh doanh DVKT, hộ kinh doanh DVKT; Hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại DN kinh doanh DVKT, hộ kinh doanh DVKT hết thời hạn hoặc có các thay đổi dẫn đến không còn bảo đảm là hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian; Giấy phép lao động tại Việt Nam của kế toán viên hành nghề là người nước ngoài hết hiệu lực hoặc không còn giá trị...
KTV có trách nhiệm nộp lại Giấy chứng nhận cũ cho Bộ Tài chính thông qua DN kinh doanh DVKT, hộ kinh doanh DVKT theo quy định. Không được sử dụng Giấy chứng nhận đã bị hết hiệu lực hoặc không còn giá trị trong các hoạt động nghề nghiệp kế toán. Trường hợp làm người đại diện theo pháp luật, giám đốc (tổng giám đốc), chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán), nhân viên kế toán, kiểm toán nội bộ hoặc các chức danh khác tại đơn vị, tổ chức khác thì KTV hành nghề phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bắt đầu hoặc ngừng tham gia các công việc hoặc có thay đổi về thời gian làm việc, chức danh tại các đơn vị đó.
Quy định xử phạt liên quan đến kế toán viên hành nghề
Theo quy định tại Điều 21, Nghị định số 41/2018/NĐ-CP, KTV hành nghề sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng nếu cho tổ chức, cá nhân khác ngoài đơn vị mình đang làm việc thuê, mượn, sử dụng Chứng chỉ KTV, Chứng chỉ kiểm toán viên của mình để đăng ký hành nghề DVKT hoặc đăng ký hành nghề DVKT tại đơn vị nơi mình thực tế không làm việc theo hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi thuê, mượn, sử dụng Chứng chỉ KTV, Chứng chỉ kiểm toán viên của người không làm việc hoặc làm việc theo hợp đồng lao động không đảm bảo là làm toàn bộ thời gian tại đơn vị mình để đăng ký hành nghề DVKT. Đồng thời, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi giả mạo Chứng chỉ KTV... Trong một số trường hợp, KTV còn bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề DVKT trong thời gian nhất định.
Tại Điều 23, Nghị định số 41/2018/NĐ-CP, quy định KTV hành nghề sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Hành nghề DVKT khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề DVKT; Tiếp tục hành nghề DVKT khi Giấy chứng nhận hết hiệu lực hoặc không còn giá trị; Không nộp trả lại Giấy chứng nhận cho Bộ Tài chính theo quy định...
Tài liệu tham khảo:
1.Quốc hội (2015), Luật Kế toánsố 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015;
2.Chính phủ (2016), Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán;
3.Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 296/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 hướng dẫn về cấp, thu hồi và quản lý giấy chứng nhận đăng ký hành nghề DVKT;
4.Bộ Tài chính (2017), Thông tư số 91/2017/TT-BTC ngày 31/8/2017 quy định về việc thi, cấp, quản lý chứng chỉ kiểm toán viên và chứng chỉ kế toán viên;
5.Bộ Tài chính (2019), Thông tư số 44/2019/TT-BTC ngày 19/07/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 292/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 và Thông tư số 296/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016.
(*) ThS. Nguyễn Văn Sức - Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội