Doanh nghiệp khi bán xăng dầu cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải chuyển đầy đủ nội dung hóa đơn điện tử cho người mua và cơ quan thuế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lưu Đức Huy - vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế - cho biết đây là nội dung được Bộ Tài chính đề nghị tại dự thảo thông tư hướng dẫn nghị định 123 về hóa đơn, chứng từ điện tử, đang được lấy ý kiến góp ý. Thời điểm thực hiện dự kiến từ 1-7-2022.
Chống thất thoát thuế
"Giải pháp này được xem là căn cơ, lâu dài khi dựa trên nền tảng công nghệ để quản lý, ngăn chặn tình trạng gian lận, thất thoát thuế trong hoạt động kinh doanh xăng dầu" - ông Huy nói. Lý do: doanh thu cũng như lượng hàng bán ra được thể hiện trên hóa đơn.
Cũng theo ông Huy, quy định này không chỉ giúp cơ quan thuế quản lý thuế tốt hơn đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu mà mỗi doanh nghiệp xăng dầu còn có đầy đủ dữ liệu bán hàng của từng cửa hàng trong hệ thống.
Theo Tổng cục Thuế, 7 năm qua ngành thuế áp dụng giải pháp dán tem kẹp chì ở các cột bơm xăng để ghi nhận số lượng xăng bán ra. Thực tế, lượng xăng bán ra cao hơn so với trước khi chưa áp dụng giải pháp này bình quân là 10%, cá biệt có nơi chênh tới 25 - 30%.
Do đó, cùng với giải pháp dán tem ở cột bơm xăng và việc giám sát lượng hàng và doanh thu qua hóa đơn, cơ quan thuế sẽ nắm được lượng xăng dầu bán ra sát với thực tế.
Để đồng bộ, ông Huy cho biết Bộ Tài chính có đề xuất Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, một điều kiện để được phép kinh doanh xăng dầu là doanh nghiệp phải phát hành hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.
Ông Nguyễn Văn Tiu, chủ tịch Công ty xăng dầu Tự Lực 1 (Hà Nội), cho biết việc xuất hóa đơn điện tử cho khách đã thực hiện vài năm nay.
Tới đây, doanh nghiệp xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử cho khách và gửi về cho cơ quan thuế sẽ không gặp khó khăn gì. Điều quan trọng là cơ quan thuế cần thiết lập hệ thống tiếp nhận để doanh nghiệp chuyển dữ liệu về dễ dàng, tránh trường hợp không thể gửi được do nghẽn mạng.
Cần thuận tiện cho người mua xăng
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cũng đồng tình cần phải có nhiều chính sách đồng bộ. Về phía cây xăng phải kiểm soát được đầu vào - đầu ra, kết nối dữ liệu của cột bơm xăng với cơ quan thuế.
Phía người mua xăng cần có chính sách khuyến khích họ lấy hóa đơn như cho phép trừ chi phí cơ bản, xổ số định kỳ. Còn như hiện nay rất khó kiểm soát.
Theo tính toán của các chuyên gia, 1 lít xăng dầu lậu nếu tuồn vào các cây xăng sẽ trốn được khoảng 7.000 - 8.000 đồng tiền thuế các loại. Đó là lý do buôn lậu, sản xuất kinh doanh xăng dầu giả sôi động nhiều năm nay.
Luật sư Trương Thanh Đức, giám đốc Công ty luật ANVI, cho rằng việc lấy hóa đơn khi mua xăng dầu có lợi cho chính người tiêu dùng. Bởi ngoài giúp việc giám sát về quản lý thuế, mua xăng dầu lấy hóa đơn còn góp phần ngăn chặn được tình trạng xăng dầu lậu, kém chất lượng.
Nhiều kiểu đối phó, TP.HCM ra đề án mới
Theo phản ánh của một số địa phương, việc dán tem niêm phong đồng hồ cây xăng vẫn còn lỗ hổng khiến doanh nghiệp có thể dùng ngoại vật tác động một cách đơn giản vào đồng hồ côngtơ tổng để làm thay đổi theo ý muốn.
Một đại diện Cục Thuế TP.HCM cho hay việc kiểm soát theo hình thức dán tem để quản lý trụ bơm xăng tại TP đã dừng một thời gian để chờ triển khai theo hình thức mới vì không hiệu quả, cây xăng có nhiều biện pháp đối phó.
Chưa kể địa bàn TP.HCM rất lớn với 3.700 trụ bơm xăng. Chỉ cần trụ xăng hỏng, phải tháo niêm phong để sửa thì lực lượng chức năng phải có mặt kịp thời để không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp.
Do vậy, Cục Thuế TP.HCM đã trình UBND TP.HCM đề án quản lý mới số côngtơ của các cây xăng bằng phương thức điện tử và đã được UBND TP.HCM phê duyệt. Hiện đề án này đang trong quá trình thuê đơn vị viết phần mềm để triển khai trong thời gian tới.
Luật sư Trần Xoa (giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang):
Quản lý thuế xăng dầu chưa thực sự hiệu quả
Trên thực tế, hiện nay khi mua xăng dầu chỉ các tổ chức, doanh nghiệp mới lấy hóa đơn để đưa vào chi phí, còn cá nhân mua xăng dầu hầu như không lấy hóa đơn. Cây xăng cũng không sẵn sàng xuất hóa đơn cho cá nhân. Đó là kẽ hở để hợp thức hóa nguồn xăng lậu.
Biện pháp như dán tem trụ bơm xăng cũng không phát huy tác dụng vì đã bị chủ các cây xăng vô hiệu hóa. Nên có chính sách khuyến khích để người dân mua hàng hóa nói chung và mua xăng nói riêng lấy hóa đơn. Khi đó doanh thu thực tế của cây xăng sẽ bộc lộ, khó lòng tiêu thụ xăng dầu lậu. Ngân sách thu được sẽ tăng mạnh.
Theo tinnhanh247.net