Việc mở rộng quy mô kinh doanh cũng như đáp ứng được nhu cầu lưu trữ, bảo quản, cung cấp hàng hóa thì doanh nghiệp thường phải có thêm kho chứa hàng. Tuy nhiên, để cơ quan có thẩm quyền không “sờ gáy” thì doanh nghiệp cần làm những thủ tục gì khi thuê thêm kho hàng?
Công ty có trụ sở tại tỉnh A, trong quá trình hoạt động phát sinh thêm nhiều hàng hóa luân chuyển và cung cấp nên thuê một kho chứa hàng tại tỉnh B. Kho hàng này có hoạt động nhập, xuất hàng, nhưng việc hạch toán doanh thu, chi phí thì tính cho trụ sở chính. Trường hợp này, công ty cần thực hiện các thủ tục gì với cơ quan có thẩm quyền?
Thứ nhất, trường hợp Kho hàng có cung cấp hoạt động bán hàng (kinh doanh)
Theo khoản 16, Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 thì kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình, đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi. Do đó, khi mở kho chứa hàng hoá và có hoạt động kinh doanh thì Công ty đã triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa chỉ mới. Trường hợp này cần đăng ký lập địa điểm kinh doanh.
Thứ hai, trường hợp doanh nghiệp thuê thêm Kho hàng ở tỉnh/địa phương khác chỉ nhằm lưu giữ hàng hóa
Kê khai và nộp thuế
Doanh nghiệp khi có kho hàng ở tỉnh khác mà không có hoạt động kinh doanh, chỉ chức năng chứa hàng thì doanh nghiệp vẫn phải kê khai, nộp thuế với cơ quan thuế nơi doanh nghiệp có kho chứa hàng.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 5 Thông tư số 95/2016/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế:
“…Doanh nghiệp, tổ chức đã được cấp mã số thuế nếu phát sinh các hoạt động sản xuất kinh doanh mới hoặc mở rộng kinh doanh sang địa bàn tỉnh, thành phố khác nhưng không thành lập chi nhánh hoặc đơn vị trực thuộc hoặc có cơ sở sản xuất trực thuộc (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) trên địa bàn khác với tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính, thuộc đối tượng được hạch toán Khoản thu của ngân sách nhà nước theo quy định của Luật quản lý thuế, thì được sử dụng mã số thuế đã cấp để khai thuế, nộp thuế với cơ quan thuế tại địa bàn nơi phát sinh hoạt động kinh doanh mới hoặc mở rộng kinh doanh…”
Ngoài ra, theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế quy định về kê khai thuế GTGT, thì:
“…Trường hợp người nộp thuế có hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh mà giá trị công trình xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh bao gồm cả thuế GTGT từ 1 tỷ đồng trở lên, và chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, mà không thành lập đơn vị trực thuộc tại địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính (sau đây gọi là kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh) thì người nộp thuế phải nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quản lý tại địa phương có hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai và chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh.
Căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn quản lý, giao Cục trưởng Cục Thuế địa phương quyết định về nơi kê khai thuế đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh và chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh...”
Về việc sử dụng hóa đơn khi xuất hàng tại kho
Được áp dụng quy định theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Trường hợp Công ty có trụ sở chính tại tỉnh A, để thuận lợi cho hoạt động kinh doanh khi bán hàng cho các khách hàng tại khu vực tỉnh B, Công ty có thuê kho chứa hàng tại địa chỉ tỉnh B. Kho không có chức năng kinh doanh chỉ thực hiện việc nhập và xuất hàng cho khách hàng theo hóa đơn bán hàng của Công ty lập thì Công ty phải thực hiện đăng ký thuế kho hàng cho cơ quan thuế địa phương nơi kho hàng trú đóng theo quy định.
Khi xuất hàng hóa cho khách hàng, Công ty không phải kê khai thuế GTGT vãng lai nơi kho hàng trú đóng mà thực hiện kê khai tập trung tại nơi công ty đặt trụ sở chính. Khi chuyển hàng hóa về kho, Công ty lập phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm theo lệnh điều động.
Việc thuê thêm kho hàng là việc mà doanh nghiệp thực hiện khá phổ biến, mang tính chất mở rộng phạm vi kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp cần nắm rõ những thủ tục cần thiết để tránh vi phạm khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra.
Chúc các bạn thành công và tận hưởng những dịch vụ tuyệt vời từ nhà cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử eHoaDon Online và hệ sinh thái thương mại điện tử BizStore.