Việc áp dụng hoá đơn điện tử (HĐĐT) góp phần hạn chế các hành vi gian lận về hoá đơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp giảm chi phí giấy, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, cũng như sử dụng các ứng dụng kết nối tự động mà không cần lập các báo cáo thủ công như trước.
Lợi ích cho các bên
Triển khai HĐĐT theo quy định của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP có ý nghĩa hết sức quan trọng trong trong việc chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội.
Với xã hội, HĐĐT góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp. Việc thực hiện đúng các quy định về hoá đơn, chứng từ của các tổ chức, cá nhân giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thuận lợi. Bên cạnh đó, HĐĐT giúp đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới. Triển khai HĐĐT là một trong các nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số đối với cơ quan tài chính cũng như trong các cơ quan nhà nước khác.
Tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ có thể dễ dàng tra cứu và đối chiếu được hóa đơn điện tử do người bán cung cấp. Sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn), giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế.
Mô hình: Quy trình phát hành hóa đơn điện tử của doanh nghiệp
Đặc biệt, sử dụng hóa đơn điện tử tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ: Sau khi nhận hóa đơn điện tử, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của Cơ quan thuế để biết chính xác thông tin của hóa đơn người bán khai báo với Cơ quan thuế và thông tin người bán cung cấp cho người mua.
Với tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, việc thực hiện đúng các quy định về hoá đơn, chứng từ sẽ giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN được thuận lợi; giảm thủ tục hành chính và thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về thuế…
Đối với cơ quan thuế và các cơ quan nhà nước có liên quan, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, kết hợp với các thông tin quản lý thuế khác để xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp đáp ứng yêu cầu phân tích thông tin phục vụ điều hành, dự báo, hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ luật về thuế và quản lý rủi ro trong quản lý thuế
Dùng HĐĐT giúp áp dụng CNTT, ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích; góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế
"Dữ liệu từ HĐĐT được kết nối tự động với phần mềm khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) nên doanh nghiệp không mất thời gian lập tờ khai thuế GTGT. HĐĐT có tính bảo mật cao vì sử dụng chữ ký số của người bán nên khả năng làm giả hóa đơn là khó. Vì vậy, việc sử dụng HĐĐT thay thế hóa đơn giấy (hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in) sẽ góp phần phát hiện sớm các gian lận phát sinh trong việc sử dụng hóa đơn", lãnh đạo Tổng cục Thuế phân tích.
Khung pháp lý đã có, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai
Để nâng cao tính pháp lý của việc sử dụng, quản lý hóa đơn, chứng từ, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã bổ sung 1 chương quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử với nguyên tắc khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập HĐĐT (hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc HĐĐT không có mã của Cơ quan thuế) để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ theo Luật Quản lý thuế, Luật Thuế GTGT, Luật Kế toán, Luật Giao dịch công nghệ. Bộ Tài chính cũng đã có Thông tư 78/2021 hướng dẫn triển khai.
Mô hình tổng quan hệ thống hoá đơn điện tử
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho hay: Mục tiêu đến 1/7/2022 toàn bộ sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính tổ chức thực hiện theo lộ trình 2 giai đoạn. Theo đó, ngành thuế triển khai giai đoạn 1 tại địa bàn 6 tỉnh, thành phố (gồm Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ) từ trung tuần tháng 11/2021. Tiếp đó, sẽ triển khai giai đoạn 2 tại địa bàn 57 tỉnh, thành phố còn lại từ tháng 4/2022.Theo đó các DN sẽ chuyển đổi định dạng hóa đơn theo quy định chuẩn định dạng của Cơ quan thuế để chuyển dữ liệu hóa đơn cho người mua và chuyển đến Cơ quan thuế qua đơn vị trung gian. Một số ít doanh nghiệp sử dụng hóa đơn số lượng lớn, có hạ tầng CNTT đáp ứng điều kiện sẽ kết nối trực tiếp để chuyển dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế ...
Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch triển khai giai đoạn 1, theo đó đến hết ngày 31/12/2021 hoàn thành tối thiểu 70% và phấn đấu 100% số lượng doanh nghiệp tổ chức kinh tế; đến hết ngày 31/3/2021 hoàn thành tối thiếu 70% và phấn đấu 100% số lượng hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp sử dụng HĐĐT theo quy định của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP . Trên cơ sở kết quả triển khai giai đoạn 1, Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức triển khai giai đoạn 2 đảm bảo đến 1/7/2022 100% doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Để thực hiện giai đoạn 1, Bộ Tài chính đã phối hợp với 6 địa phương triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về triển khai HĐĐT; rà soát, phân loại tổng thể người nộp thuế, thông báo đến từng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh về kế hoạch triển khai áp dụng HĐĐT để chuẩn bị điều kiện về cơ sở hạ tầng và giải pháp công nghệ thông tin để thực hiện việc lập hóa đơn điện tử, chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế, gửi hóa đơn điện tử cho người mua và các nội dung khác về quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử; tổ chức rà soát và thông báo đến các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử trên địa bàn về việc triển khai hóa đơn điện tử để các tổ chức chuẩn bị các giải pháp và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin…
Bộ Tài chính cũng đã triển khai các giải pháp công nghệ thông tin đáp ứng triển khai HĐĐT, bảo đảm các yêu cầu như: Hóa đơn điện tử được bảo vệ bằng chữ ký số của người bán hàng, khi bị tẩy xóa (thay đổi dữ liệu) thì hóa đơn sẽ không bảo đảm tính toàn vẹn của chữ ký số. Khi có tình trạng giả mạo thì cơ quan thuế dựa vào hệ thống CNTT sẽ phát hiện được và xử lý ngay theo quy định ; cung cấp thông tin hoá đơn kịp thời để người mua hàng, bên thứ 3, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để có thể đối chiếu, kiểm tra đảm bảo tính hợp lệ, hợp pháp của hoá đơn; toàn bộ dữ liệu hóa đơn điện tử được tập trung tại Tổng cục Thuế để cung cấp các dịch vụ cho người bán, người mua hàng có thể tự tra cứu, đối chiếu dữ liệu của hóa đơn với dữ liệu được quản lý tại cơ quan thuế.
"Triển khai HĐĐT là nhiệm vụ trọng tâm Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, ngành thuế, góp phần đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của nước ta trong thời gian tới", lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định.
Theo tinnhanh247.net