Ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, việc quy định hộ, cá nhân kinh doanh lớn phải sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) là nhằm đồng bộ với các quy định của Nghị định 39/2018/NĐ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời khuyến khích hộ lên doanh nghiệp.
Cán bộ Chi cục Thuế Đống Đa (Hà Nội) kiểm tra việc sử dụng hóa đơn của một hộ kinh doanh trên địa bàn. Ảnh: NM
Phân loại hộ kinh doanh để quản lý thuế chặt chẽ
Liên quan đến quy định hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên… phải sử dụng HĐĐT theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP (119), bà Tạ Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế) cho rằng, đây là thay đổi rất mạnh mẽ trong công tác quản lý hộ.
“Các quy định tại Nghị định 119 có sự phân hóa rất rõ rệt giữa công tác quản lý hộ lớn và hộ nhỏ. Trước đây chúng ta quản lý hộ kinh doanh phương thức giống nhau, hộ nhỏ cũng như hộ lớn đều khoán thuế, đều không thực hiện sổ sách kế toán. Hiện tại, chúng tôi phân loại nhóm hộ lớn để có cách quản lý chặt chẽ hơn”, bà Lan nói.
Cũng theo bà Lan, nhóm hộ nhỏ, ví như hộ bán rau, hay kinh doanh các mặt hàng nhỏ lẻ không nên quá lo lắng. Với những hộ nhỏ này, cơ quan thuế không yêu cầu phải áp dụng chế độ sổ sách kế toán, cũng như sử dụng HĐĐT.
“Nghị định 119 tập trung vào nhóm hộ lớn, chiếm khoảng 7 - 10% tổng số hộ kinh doanh đang hoạt động hiện nay (khoảng 1,7 triệu hộ). Nhóm hộ lớn này, bắt buộc phải sử dụng HĐĐT, sử dụng sổ sách kế toán, nộp thuế theo kê khai và không áp dụng thuế khoán như các hộ kinh doanh nhỏ. Với quy định như vậy, chúng ta thấy, các hộ lớn đã được đối xử như doanh nghiệp”, bà Lan nói.
Bà Lan cũng cho biết, để thống nhất đồng bộ việc này, Bộ Tài chính đang có kế hoạch sửa đổi chế độ kế toán đối với hộ kinh doanh, cũng như sửa đổi chế độ kế toán đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; qua đó thúc đẩy hộ lớn chuyển thành doanh nghiệp, chứ không để các doanh nghiệp núp bóng hộ kinh doanh để trốn thuế.
“Việc núp bóng hộ kinh doanh không làm thất thu ở khu vực hộ kinh doanh mà làm thất thu tại nhóm các doanh nghiệp sử dụng các hóa đơn đó để hợp thức hóa đầu vào. Như vậy, HĐĐT không chỉ nhằm vào hộ kinh doanh, mà đang nhằm kiểm soát nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hiện nay đang có sự lẫn lộn đối với những hộ lớn”, bà Lan nói.
Kết nối dữ liệu với các bộ, ngành để quản lý doanh thu
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, hộ kinh doanh có thể áp dụng 2 loại HĐĐT. Loại thứ nhất là những hộ lớn có đủ điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, họ tự khởi tạo HĐĐT (HĐĐT thông thường). Nhóm khác là các hộ nhỏ, không có đủ điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nhưng vẫn có thể sử dụng HĐĐT bằng cách đến cơ quan thuế để nhờ cơ quan thuế khởi tạo HĐĐT cấp cho hộ kinh doanh (HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế). “Nói như vậy để thấy rằng, yêu cầu 100% hộ kinh doanh phải sử dụng HĐĐT vẫn có thể thực hiện được, không như mọi người đang lo ngại”, bà Lan nói.
Ngoài ra, để quản lý thuế đối với hoạt động mua, bán thuốc tân dược (như ý kiến cho rằng khó kiểm soát được khi cả người bán và người mua không cần hóa đơn), bà Lan cho biết, hiện Bộ Y tế đã kết nối thông tin tất cả các nhà thuốc, quầy thuốc trực tiếp về Bộ Y tế. Trong đó đã có đủ các thông tin như giá bán, số lượng thuốc bán lẻ, cũng như các thông tin khác. “Hiện ngành Thuế cũng đang phối hợp để khai thác cơ sở dữ liệu của Bộ Y tế để quản lý doanh thu của các nhà thuốc bán lẻ, cơ quan thuế không trực tiếp đến các nhà thuốc để yêu cầu kết nối dữ liệu”, bà Lan nói.
Đối với nhóm hộ kinh doanh nhỏ, lẻ như các đại lý bán lẻ hàng tiêu dùng, cửa hàng bán đồ ăn sáng, các nhà hàng… theo bà Lan, không quản lý bằng HĐĐT, mà dùng các giải pháp quản lý khác.
Ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, việc quy định các hộ kinh doanh với mức doanh thu 3 - 10 tỷ đồng (tùy từng trường hợp) phải sử dụng HĐĐT là nhằm thực hiện thống nhất, đồng bộ với quy định đối với Nghị định 39/2018/NĐ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Điều này có nghĩa, nếu các hộ đáp ứng các yêu cầu như doanh thu từ 3 tỷ đồng trở lên, hoặc có quy mô từ 10 lao động trở lên mà không chuyển đổi thành doanh nghiệp thì bắt buộc phải áp dụng HĐĐT. Quy định này không chỉ đồng bộ với chính sách thuế áp dụng đối với các doanh nghiệp theo Nghị định 39/2018/NĐ-CP mà còn nhằm khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp”, ông Huy nói.
Theo tinnhanh247.net